Không cần biết hai người vì lý do gì mà chia tay, hết yêu hay còn yêu, nhưng chia tay là dứt khoát, là phải hết sạch sành sanh không còn dính líu gì tới nhau nữa. Ít ra như thế cũng có nghĩa là tôn trọng quyết định của mình, tôn trọng chính mình, sau là thể hiện sự tôn trọng người khác.
Vậy mà vẫn có những người thích kiểu “ỡm ờ”. Kiểu chia tay chia chân chán chê mê mải rồi, vào một ngày đẹp trời rảnh rỗi, lại nói “chúng ta có thể làm bạn tốt”!?! Không yêu được thì làm bạn để hỗ trợ nhau, cho cuộc sống tràn đầy tình thương mến thương, quá sức hài hước!
Dường như có một sự nhầm lẫn không hề nhẹ ở đây. Nên nhớ, từ tình bạn có thể phát triển thành tình yêu, nhưng đã yêu vào rồi thì chả có ai cài số lùi để tình yêu quay trở về tình bạn cả. Nếu có người chấp nhận làm bạn với người yêu cũ chỉ có thể là do người ta còn nặng tình và cố gọi tên mối quan hệ bất bình thường đó bằng hai chữ “bạn bè” đấy thôi.
Còn chưa kể, chuyện đã qua thì là chuyện của quá khứ, nhưng cứ bới móc quá khứ không chịu để cho quá khứ ngủ yên, thì chẳng khác nào tự làm phiền tới hiện tại và gây ảnh hưởng tới tương lai.
Cô bạn tôi hôm cuối tuần vừa rồi đã làm một trận inh ỏi với anh người yêu. Chỉ vì khi hai anh chị đang ngồi nói chuyện tâm tình yêu đương, thì cô bạn gái cũ của anh này alo tới. Anh ấy nghe máy, bên kia đầu dây khóc nức nở, than vãn đủ chuyện. Nào là em buồn lắm, em khổ tâm lắm, từ ngày chia tay anh thế này thế nọ bla bla…
Cô bạn tôi giận tím mặt. Nhưng anh bạn trai lại không biết ý, vẫn à uôm nói chuyện điện thoại với bạn gái cũ. Giận quá, bạn tôi hất thẳng ly nước cam đang uống dở vào mặt người yêu rồi cầm chìa khóa trên bàn, chạy tót ra xe phi thẳng về nhà. Để lại anh chàng ngu ngơ một mình với tá câu hỏi “tại sao em chia tay không một lý do???”
Tất nhiên tối đó hai người có gặp lại nhau, anh người yêu chạy sang nhà năn nỉ ỉ ôi và xin lỗi. Nói rằng giữa anh ấy với người yêu cũ chẳng còn gì cả, không tơ vương, không gặp gỡ. Chỉ là tự nhiên cô ấy vẫn nhớ số điện thoại của anh ấy nên gọi điện nói chuyện một chút thôi, anh ấy là người bị động, cũng không kịp phản ứng nhanh nên khiến cô bạn tôi hiểu lầm. Ừ thì coi như những gì anh ấy nói đều đúng, chỉ sai ở duy nhất một chỗ, lúc cuối, anh ấy còn chêm vào:
“Dù gì thì cũng từng yêu nhau, chia tay rồi không yêu được thì làm bạn bè, có gì đâu mà em không thông cảm được?”
Bỗng dưng tôi lại thấy cái cốc nước cam uống dở của cô bạn tôi vẫn còn là nhẹ nhàng chán. Ở đâu ra cái tư tưởng đã từng yêu mà không đến được với nhau thì quay về làm bạn, đỡ đần nhau lúc hoạn nạn khó khăn?
Ơ nói thế hóa ra người yêu mới là một con bù nhìn rơm à? Là bù nhìn để chứng kiến cảnh cả ả cả anh cứ ngọt ngọt ngạt nhạt thăm hỏi nhau xem có khỏe không, sống có hạnh phúc không, tiền làm có đủ ăn không và còn nhớ những ngày xưa êm đềm hay không à?
Rất tiếc, con người ta chẳng ai có thể chấp nhận điều ngược đời như thế. Nhất là khi yêu thì ai cũng ích kỷ cả thôi. Ai cũng mong muốn người yêu mình là duy nhất, và mình cũng là duy nhất trong tim người yêu mình. Đối với những mối quan hệ đã cũ, những người đã cũ, xin vui lòng tiễn đi xa và không cấp vé khứ hồi.
Nên nhớ, chuyện làm bạn sau khi chia tay là chuyện rất khó, bởi tình cũ không rủ cũng tới mà. Nếu người yêu bạn ghen tuông hay hờn giận, âu cũng là lẽ tự nhiên thôi. Còn chính ra, cái hành động làm bạn với người yêu cũ của bạn mới là có vấn đề. Có rất nhiều vấn đề! Bởi câu chuyện làm bạn sau khi chia tay vốn dĩ vẫn là quá sức hoang đường!
Theo: Tri Thức Trẻ