Một tòa án ở Nga đã tuyên bố mức phạt 98 triệu USD dành cho gã khổng lồ Google vì không chịu xóa nội dung được cho là bất hợp pháp tại quốc gia này, khoản tiền tương đương 7,2 tỷ rúp sẽ ngốn mất 8% doanh thu của Google tại Nga. Sự việc này xảy ra trong bối cảnh Nga đang thực hiện các chiến dịch kiểm soát chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ lớn và người dùng Nga về việc xuất bản các nội dung khác nhau.
Về phía Google, họ cho biết sẽ “nghiên cứu các tài liệu của tòa án và sẽ có những quyết định bước đi tiếp theo.” Tuy nhiên một quan chức tại Nga được cho là sẽ áp dụng “các biện pháp rất khó chịu” nếu như Google không tuân thủ các quy định về xóa nội dung bị cấm tại nước này, bao gồm các quảng cáo về ma túy hay các bài đăng từ các tổ chức mà chính phủ cho rằng thuộc phe cực đoan hoặc khủng bố, chẳng hạn như những nội dung liên quan đến thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny.
Các nhà quản lý nội dung ở Nga cũng đã ban hành các khoản tiền phạt và lệnh bắt buộc trong nỗ lực kiểm soát các công ty công nghệ của nước ngoài. Đây cũng không phải lần đầu Google chịu phạt ở Nga về việc kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của mình. Những quy định ở Nga về việc kiểm soát nội dung đang ngày càng gay gắt, vì thế họ có thể sẽ phải đối mặt với những quy định trên diện rộng hơn. Hiện các công ty như Twitter và Meta (sở hữu Facebook) cũng phải đối mặt với tình trạng chậm cung cấp dịch vụ và tiền phạt do họ không tuân thủ các tiêu chuẩn của cơ quan quản lý Nga.
Các công ty công nghệ này đồng thời cũng phải chịu áp lực từ các cơ quan quản lý của Nga theo những cách thức phi tài chính khác . Vào năm năm 2019, Nga đã thông qua luật liên quan đến điện thoại thông minh, máy tính và TV phải được cài đặt sẵn phần mềm của các nhà phát triển Nga, chính thức có hiệu lực vào đầu năm nay. Bên cạnh đó, những công ty điều hành các trang web với hơn 500.000 người truy cập hàng ngày ở Nga bắt buộc sẽ phải mở văn phòng tại Nga. Các quan chức Nga đã dựa vào Google và Apple để xóa các ứng dụng bỏ phiếu của các đối thủ chính trị khỏi các cửa hàng ứng dụng thông qua hình thức đe dọa truy tố các nhân viên bản địa làm việc tại các công ty này.
Nguồn The Verge