Hôm bữa con em bị sốt cao hơn 39 độ, bà ngoại sờ tay chân thấy lạnh ngắt nên lấy áo dài tay, dài chân mặc cho con. Em sợ quá nên lật đật chạy ra tiệm thuốc tây mua thuốc hạ sốt cho con uống. Trong vòng 3 giờ đồng hồ sau khi uống, trán con mát hơn, chưa kịp mừng thì thuốc phai hết nên con phát sốt trở lại kèm tím tái, co giật giống hệt như lên cơn động kinh. Lúc này, cả nhà hoảng hốt đưa con đi cấp cứu ngay lập tức. Cũng may con qua được cơn nguy kịch, em mừng đến phát khóc.
Hôm qua em đọc báo có thấy một thông tin vô cùng hữu ích của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai về kiến thức chăm con khi con bị sốt. Thấy hay quá, đúng cái em đang cần nên chia sẻ về cho các mẹ đang và sắp có con nhỏ cùng biết. Em xem mà ngỡ ngàng, hóa ra trước giờ em toàn làm sai bét. Hèn chi con sốt rất lâu khỏi, lại xảy ra biến chứng, khiến con bị co giật suýt nguy hiểm tính mạng nữa chứ. Đúng là dại thật!
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết sốt cao thường mới chỉ là triệu chứng chứ chưa hẳn là bệnh. Vì đây là phản ứng tích cực của cơ thể trẻ mỗi khi bị vi khuẩn, vi rút tấn công. Nếu sốt không ảnh hưởng gì nhiều đến sinh hoạt của bé như ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ, bé không quấy khóc, không khó chịu cho lắm thì cứ để yên như vậy, con sẽ tự khỏi, không nên cho uống thuốc gì. Có nhiều mẹ khi thấy con sốt chưa gì đã lật đật cho uống thuốc hạ sốt, mặc đồ, quấn chăn quấn mền quá kĩ… thành ra bé rất lâu khỏi, lại dễ lên cơn co giật nguy hiểm, dễ tái đi tái lại.
Thường thì trẻ sốt đến 38,5 độ là đủ khiến các mẹ đứng ngồi không yên. Nếu muốn dùng thuốc cho con thì chỉ nên dùng Pracetamol hoặc Ibubrofen.
Theo ông Dũng, thường thì trẻ bị sốt đến 38, 5 độ là cha mẹ rất lo lắng, mà đo nhiệt độ cho trẻ thì chỉ được đo ở nách (không cộng trừ, cứ 38,5 độ). Khi này các bác sĩ khuyên dùng 2 loại thuốc là Pracetamol hoặc Ibubrofen. Lưu ý là khi trẻ bị sốt xuất huyết thì không được cho uống Ibubrofen vì sẽ rất nguy hiểm.
Thuốc hạ sốt loại nhét hậu môn thì hay dùng cho những trẻ uống hay nôn trớ. Tuy nhiên, nó không bằng thuốc uống vì lúc thì có tác dụng lúc thì không, rất thất thường, liều lượng cố định không chia đôi ra được.
Và đặc biệt, bác sĩ khuyên khi con bị sốt thì không bao giờ được phạm phải những sai lầm này bởi có thể sẽ khiến con có nguy cơ bị liệt giường, mất mạng.
1/ Dán miếng dán hạ sốt
Ông Nguyễn Tiến Dũng nói rằng khi trẻ bị sốt không nên dán miếng dán hạ sốt. Mấy loại dán này dùng vừa mất tiền vừa không hề giúp trẻ hạ sổ như mẹ vẫn tưởng. Thậm chí nó còn gây hại. Khi trẻ bị sốt, mẹ hãy dùng khăn ấm lau toàn thân cho con, nhất là vùng trán, nách và bẹn, cứ khi nào khăn lạnh đi thì tiếp tục thấm nước ấm lau lại.
2/ Chườm lạnh
Rất nhiều mẹ hay hạ sốt cho con bằng cách chườm khăn lạnh. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho biết đây là việc làm không những không có tác dụng hạ sốt mà còn gây hại. Vì thường trẻ bị nếu chưa khám kĩ sẽ khó đoán được nguyên nhân. Nếu sổ do nhiễm khuẩn, viêm phổi mà mẹ chườm lạnh sẽ làm bệnh trầm trọng hơn. Nhất là tuyệt đối không được chườm bằng đá lạnh nha. Da trẻ con mỏng, mẫn cảm lắm, đang sốt bệnh yếu ớt nữa mà mẹ chườm đá dễ làm con bị bỏng lạnh, suy hô hấp. Chườm lạnh chỉ nên làm khi con bị say nóng, say nắng mà thôi nha các mẹ.
3/ Đóng kín cửa
Khi trẻ bị sốt, mẹ không nên đắp chăn, không nên đóng kín cửa mà phải mở cửa, bật quạt nhẹ trong phòng cho không khí lưu thông, bé dễ thở, thoải mái hơn. Rất nhiều bố mẹ thấy con run, lạnh tay lạnh chân thì vội vàng mặc thật nhiều quần áo ấm cho con, quấn con lớp này lớp kia thật kĩ vô tình làm con bị ngột ngạt, mồ hôi đô ra thấm ngược vào người sẽ khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn.
4/ Cho con uống thuốc hạ sốt khi cơn sốt chưa cao hơn 38,5 độ
Nếu con vừa mới phát sốt hoặc cơn sốt chưa cao hơn 38,5 độ mà mẹ cho uống thuốc hạ sốt hoặc cho uống thuốc chống co giật thì rất có hại cho sức khỏe. Thứ nhất, con sẽ dễ bị kháng thuốc, những lần sau rất dễ tái bệnh tiếp, mà tái bệnh thì khó chữa hơn. Thứ 2, thuốc hạ sốt khiến cơ thể con mệt mỏi, ảnh hưởng đến trí não, hệ tiêu hóa… Thứ 3, các bác sĩ sẽ rất khó khám, chẩn đoán bệnh cho con.
Khi con sốt mới sơ sơ, mẹ chỉ cần cởi bớt quần áo, cho con bú mẹ càng nhiều càng tốt, siêng cho bé uống nước để làm mát cơ thể, chống mất nước làm suy kiệt cơ thể.
5/ Ăn kiêng
Chăm con bị sốt và sau sốt rất quan trọng. Nó quyết định đến bệnh tình của con có mau khỏi, phục hồi hay không. Nếu sốt mất nước, không được bù nước và ăn uống thiếu chất thì con rất dễ bị sụt ký, suy dinh dưỡng, dễ bệnh tật.
Khi con sốt mà lỡ lên cơn co giật thì bố mẹ phải thật bình tĩnh bế trẻ đặt nằm nghiêng. Tuyệt đối không được gập đầu con vì sẽ khiến con ngạt thở. Nếu thấy con nghiến răng thì cứ để con yên lặng như thế chứ đừng day, vuốt ngực con gì hết nhen vì mẹ mà làm vậy con dễ mất mạng lắm á. Mẹ nào sợ con cắn lưỡi thì chờ con bình tĩnh chút, cằm mềm ra rồi hẵng nhét khăn mềm vào miệng chứ đừng cố cạy miệng con. Đó là kinh nghiệm xương máu của PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng trong nhiều năm chữa trị, cấp cứu cho các bé bị sốt và sốt co giật đấy ạ. Các mẹ nhớ để thực hiện đúng, nhiều khi chủ quan làm sai sẽ khiến con gặp nguy hiểm .
Theo Webtretho