Loại nước này có nhiều khoáng chất giúp giải khát nhưng uống ban đêm sẽ ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Nước dừa được nhiều người ưa chuộng vì mát và có nhiều khoáng chất. Hè đến cũng là thời điểm dừa được bán nhiều dọc các tuyến đường. Mức giá bán khá rẻ 10.000 đồng – 15.000 đồng/quả phù hợp với túi tiền. Chưa kể dừa có thể dùng để làm nhiều loại đồ giải khát các nhau như dừa nước, thạch dừa, kem dừa. Tuy nhiên, uống nước dừa không không đúng cách và đúng thời điểm có thể gây hại cho cơ thể.
Chị Tuyết (Nam Trung Yên, Hà Nội) cho biết, chị thường mua nước dừa để uống vào mùa hè đặc biệt là những ngày nắng nóng. Cách đây mấy hôm, đi làm về muộn, chị uống nước dừa trừ bữa lúc 11h đêm. Sáng hôm sau tỉnh dậy, cảm thấy bụng đau ê ẩm. Cứ nghĩ do ăn đồ ăn bên ngoài không sạch sẽ nhưng thực chất là do nước dừa gây lạnh bụng.
“Tôi lấy nước dừa trong tủ lạnh ra uống ngay. Nghĩ là uống nước dừa lạnh cho giải tỏa cơn khát nhưng không biết lại gây đau bụng. Do trước đây, tôi vẫn thường ăn đồ lạnh khi đêm muộn nhưng không có hiện tượng này. Sáng hôm đó tỉnh dậy phải uống thêm thuốc đau bụng mới bắt đầu đỡ”, chị Tuyết cho biết.
Cũng có thói quen uống nước dừa đêm, anh Phương (Mỹ Đình, Hà Nội) đã không ít lần gặp phải tình huống đau bụng như vậy. Theo lời anh Phương, biết là nước dừa không nên uống vào ban đêm nhưng có những ngày nắng nóng, anh vẫn dùng cách này để giải nhiệt hiệu quả nhất.
“Cứ sau mỗi lần uống nước dừa kèm đá vào đêm muộn, tôi lại cảm thấy nôn nao trong bụng. Có khi những cơn đau xuất hiện liên tục đến tận nửa đêm. Có khi tôi đau quặn hoặc đau âm ỉ cho đến tận sáng hôm sau. Nhưng đó như là thói quen khó bỏ dẫn đến tình trạng này vẫn lặp đi lặp lại”, anh Phương cho hay.
Uống nước dừa lúc nào sẽ tốt?
Nước dừa tốt và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, điều này không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, uống nước dừa vào đêm muộn là thói quen sai lầm. Bởi vì nước dừa có tính hàn có thể khiến đau bụng, đầy bụng, khó ngủ.
Không chỉ vậy, nếu uống nước dừa với đá cũng có hại. Vì đá, nước dừa đều có tính hàn, yếu tố âm càng dễ khiến cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng, tiêu chảy. Cho nên để đảm bảo sức khỏe có thể chọn uống nước dừa vào thời điểm khác trong ngày cụ thể như buổi trưa và buổi sáng. Do hai buổi này thuộc dương không gây hại sức khỏe.
Mặt khác, khi uống một quả dừa có nghĩa cơ thể phải tiếp nhận khoảng 200-300ml nước. Lượng nước này tương đương khoảng gần 2 cốc nước. Với lượng nước đưa vào nhiều như vậy làm cho thận phải hoạt động để bài tiết và cảm giác muốn đi tiểu tăng lên khiến cho giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Vì nước dừa có tính hàn, mát nên những người mát, da tái xanh, ăn uống kém tiêu sẽ không nên dùng. Bởi vì tính thấp khí trong nước dừa càng khiến cho quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, đình trệ vì tác dụng không tốt lên tỳ.
Nước dừa phù hợp với những người lao động nặng nhọc, đặc biệt là các vận động viên phải thường xuyên rèn luyện cơ bắp. Bởi trong nước dừa có các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Nhưng nói như vậy cũng không nên lạm dụng việc uống nước dừa. Mỗi tuần chỉ nên uống 2-3 quả, không nên uống thay nước lọc hàng ngày.
Đặc biệt, khi vừa đi ngoài trời nắng về không uống nước dừa ngay. Vì nước dừa có tính mát, hàn, trong khi cơ thể vừa đi bên ngoài về lại có tính nóng nên hai yếu tố này gặp nhau sẽ gây trúng gió, nhiễm lạnh. Triệu chứng có thể phát hiện như mệt mỏi, hơi sốt, đau bụng, đầy bụng.
Theo Emdep.Vn